Câu hỏi 27. Con đường biện chứng của nhận thức chân lý?
Đáp. Câu trả lời có ba ý lớn1) Quan điểm của V.I.Lêninvề con đường biện chứng của nhận thức chân lý.“Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan”. Như vậy, nhận thức là sự phản ánh thế giới được thực hiện trên cơ sở thực tiễn và con đường biện chứng của nhận thức gồm hai giai đoạn kế tiếp, bổ sung cho nhau.
2)Các giai đoạn của quá trình nhận thức
a) Nhận thức cảm tính (trực quan sinh động) là những tri thức do các giác quan mang lại. Nét đặc trưng cơ bản ở giai đoạn này là nhận thức được thực hiện trong mối liên hệ trực tiếp với thực tiễn thông qua các nấc thang cảm giác, tri giác, biểu tượng.
Những thành phần của nhận thức cảm tính
+) Cảm giác là tri thức được sinh ra do sự tác động trực tiếp của sự vật, hiện tượng lên các giác quan của con người. Cảm giác phản ánh từng mặt, từng khía cạnh, từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng. Nguồn gốc và nội dung của cảm giác là thế giới khách quan, còn bản chất của cảm giác là hình ảnh chủ quan về thế giới đó.
+) Tri giác là sự tổng hợp (sự phối hợp, bổ sung lẫn nhau) của nhiều cảm giác riêng biệt vào một mối liên hệ thống nhất tạo nên một hình ảnh tương đối hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng.
+) Biểu tượng được hình thành nhờ sự phối hợp hoạt động, bổ sung lẫn nhau của các giác quan và đã có sự tham gia của các yếu tố phân tích, trừu tượng và khả năng ghi nhận thông tin của não người. Đây là nấc thang cao và phức tạp nhất của giai đoạn nhận thức cảm tính; là hình ảnh cảm tính tương đối hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng được lưu lại trong não người và do tác động nào đó được tái hiện lại khi sự vật, hiện tượng không còn nằm trong tầm cảm tính. Trong biểu tượng đã có những phản ánh gián tiếp về sự vật, hiện tượng và với biểu tượng, con người đã có thể hình dung được sự khác nhau và mâu thuẫn nhưng chưa nắm được sự chuyển hoá từ sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng khác.
Kết quả của nhận thức ở giai đoạn trực quan sinh động là không những chỉ là nhận thức “bề ngoài” về sự vật, hiện tượng, mà đã có “chất”. Tuy vậy, giai đoạn trực quan sinh động chưa đưa lại nhận thức hoàn chỉnh, khái quát về sự vật, hiện tượng; các nấc thang khác nhau của giai đoạn này trong quá trình nhận thức mới chỉ là tiên đề cho nhận thức về bản chất sự vật, hiện tượng.
b) Nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng) bắt nguồn từ trực quan sinh động và từ những lý luận truyền lại. Nhận thức lý tính phản ánh sâu sắc, chính xác và đầy đủ hơn về khách thể nhận thức.
Những thành phần của nhận thức lý tính
+) Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng. Khái niệm vừa có tính khách quan, vừa có tính chủ quan khi phản ánh cả một tập hợp những thuộc tính cơ bản có tính bản chất và chung nhất của sự vật, hiện tượng nhờ sự tổng hợp, khái quát biện chứng những thông tin đã thu nhận được về sự vật, hiện tượng thông qua hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức. Các thông tin, tài liệu đó càng nhiều, càng đa dạng thì các khái niệm cũng ngày một nhiều và giữa chúng có các mối liên hệ qua lại với nhau trong sự vận động, phát triển không ngừng dẫn đến sự hình thành những khái niệm mới, phản ánh sâu sắc hơn về bản chất của sự vật, hiện tượng.
+) Phán đoán là hình thức tư duy liên kết các khái niệm lại với nhau để khẳng định hoặc phủ định một đặc điểm, một thuộc tính nào đó của sự vật, hiện tượng; là hình thức phản ánh mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan vào ý thức của con người tạo nên vai trò của phán đoán là hình thức biểu hiện và diễn đạt các quy luật khách quan. Có ba loại phán đoán cơ bản là phán đoán đơn nhất; phán đoán đặc thù và phán đoán phổ biến, trong đó phán đoán phổ biến là hình thức diễn đạt tương đối đầy đủ các quy luật.
+) Suy luận (suy lý) là hình thức của tư duy liên kết các phán đoán lại với nhau để rút ra tri thức mới theo phương pháp phán đoán cuối cùng được suy ra từ những phán đoán tiên đề (suy luận là quá trình đi từ những phán đoán tiên đề đến một phán đoán mới). Suy luận có vai trò quan trọng trong tư duy trừu tượng, bởi nó thể hiện quá trình vận động của tư duy đi từ cái đã biết đến nhận thức gián tiếp cái chưa biết. Có thể nói rằng, đa số các ngành khoa học được xây dựng trên hệ thống suy luận và nhờ đó, con người ngày càng nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn hiện thực khách quan. Tuỳ thuộc vào tính chất của mối liên hệ giữa các phán đoán tiên đề với phán đoán kết luận mà suy luận có thể là suy luận quy nạp hoặc suy luận diễn dịch. Trong các suy luận quy nạp, tư duy vận động từ cái đơn nhất đến cái chung, cái phổ biến; trong các suy luận diễn dịch tư duy đi từ cái chung đến cái ít chung hơn và đến cái đơn nhất. Cũng như khái niệm và phán đoán, các loại suy luận đều biến đổi, có liên hệ qua lại với nhau theo tiến trình phát triển của nhận thức.
Kết quả của nhận thức trong giai đoạn tư duy trừu tượng là nhờ phương pháp trừu tượng và khái quát hoá các thông tin, tài liệu do trực quan sinh động và tư duy trừu tượng các thế hệ trước để lại, tư duy trừu tượng phản ánh hiện thực sâu sắc hơn; phản ánh được những thuộc tính và mối quan hệ bản chất mang tính quy luật của sự vật, hiện tượng.
Sự phân chia quá trình nhận thức như trên chỉ là sự trừu tượng quá trình vận động của nhận thức; còn trên thực tế, nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính và các nấc thang của chúng luôn đan xen nhau và thực tiễn là cơ sở của toàn bộ quá trình nhận thức đó.
3) Mối quan hệ biện chứng giữa hai giai đoạn nhận thức
a) Trực quan sinh động và tư duy trừu tượng là hai giai đoạn của một quá trình nhận thức. Tuy có những sự khác biệt về mức độ phản ánh hiện thực khách quan, nhưng giữa hai quá trình đó có sự liên hệ, tác động qua lại. Trên thực tế, nhận thức lý tính không thể thực hiện nếu thiếu tài liệu do nhận thức cảm tính mang lại. Nhận thức cảm tính là cơ sở tất yếu của tư duy trừu tượng và ngược lại, nhận thức lý tính sẽ làm cho nhận thức cảm tính sâu sắc và chính xác hơn.
b) Mỗi kết quả của nhận thức, mỗi nấc thang mà con người đạt được trong nhận thức thế giới khách quan đều là kết quả của cả trực quan sinh động và tư duy trừu tượng được thực hiện trên cơ sở thực tiễn, do thực tiễn quy định. Trong đó, trực quan sinh động là điểm khởi đầu, tư duy trừu tượng tổng hợp những tri thức của trực quan sinh động thành các kết quả của nhận thức và thực tiễn là nơi kiểm nghiệm tính chân thực của các kết quả của nhận thức đó. Đó chính là con đường biện chứng của nhận thức.
c) Mỗi giai đoạn nhận thức có những nét đặc trưng riêng. Nhận thức ở giai đoạn cảm tính gắn liền với thực tiễn, gắn liền với sự tác động trực tiếp của khách thể nhận thức lên các giác quan của chủ thể nhận thức. Nhận thức ở giai đoạn lý tính đã thoát khỏi sự tác động trực tiếp của khách thể nhận thức để có thể bao quát sự vật, hiện tượng. Tuy vậy, nhận thức ở giai đoạn này nhất thiết phải được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh nhằm tránh nguy cơ trở thành ảo tưởng, viển vông, không thực tế. Đó là thực chất của mệnh đề “từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”.
d) Mỗi chu trình nhận thức đều phải đi từ thực tiễn đến trực quan sinh động rồi đến tư duy trừu tượng rồi đến thực tiễn. Trong đó, thực tiễn giữ vai trò là điểm bắt đầu và khâu kết thúc của chu trình đó. Nhưng sự kết thúc chu trình nhận thức này lại là sự khởi đầu của chu trình nhận thức mới ở mức độ cao hơn, rộng hơn chu trình cũ và cứ thế vận động mãi làm cho nhận thức của con người ngày càng sâu hơn, nắm được bản chất và quy luật của thế giới khách quan, phục vụ cho hoạt động biến đổi thế giới.
e) Trên con đường nhận thức đó, cứ mỗi lần mâu thuẫn trong nhận thức được giải quyết thì lại xuất hiện mâu thuẫn mới. Mỗi lần giải quyết mâu thuẫn của nhận thức là một lần nhận thức được nâng lên trình độ mới, chính xác hơn. Quá trình giải quyết mâu thuẫn của nhận thức cũng là quá trình loại bỏ dần những nhận thức sai lầm đã phạm phải. Kết quả của quá trình đó là hình ảnh chủ quan được tạo ra ngày càng có tính bản chất, có nội dung khách quan hơn và cụ thể hơn. Trong quá trình đó không ngừng nảy sinh, vận động và giải quyết các mâu thuẫn của nhận thức để tạo ra các khái niệm, phạm trù, quy luật nhằm phản ánh đúng bản chất của thế giới vật chất đang vận động, chuyển hoá và phát triển không ngừng.
35 câu phần Triết học
26 câu Kinh tế chính trị
20 câu Chủ nghĩa XH-KH
Vở gì(Bài Giảng)
Đề cương ôn tập
Tài liệu tham khảo
Thông tin hữu ích